Ung thư hạch
Tổng quan
Ung thư hạch, còn được gọi là u hạch lympho hay u lympho (tên tiếng Anh: Lymphoma) là một nhóm các bệnh ung thư bắt nguồn từ hệ thống bạch huyết, một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Đặc trưng của u hạch lympho là sự tăng sinh không kiểm soát của các tế bào lympho, thường là trong các hạch bạch huyết, nhưng cũng có thể xảy ra ở các cơ quan khác như lách, tủy xương và máu. Biết được ung thư hạch loại nào là rất quan trọng vì nó quyết định phác đồ điều trị và tiên lượng bệnh.
Hệ thống bạch huyết ở người
Ung thư hạch là một trong những loại ung thư máu phổ biến nhất trên toàn thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh thay đổi theo vị trí địa lý và nhóm tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư hạch chiếm khoảng 5% tổng số các ca ung thư. Có hai loại ung thư hạch chính: U lympho Hodgkin (HL: Hodgkin Lymphoma) và U lympho không Hodgkin (NHL: Non-Hodgkin Lymphoma). U lympho không Hodgkin (70-80%) phổ biến hơn U lympho Hodgkin (20-30%) và được chia nhỏ thành nhiều loại với đặc điểm sinh học và lâm sàng khác nhau.
Sở dĩ có tên Hodgkin là do vào năm 1832, một bác sĩ người Anh tên là Thomas Hodgkin đã lần đầu mô tả một số trường hợp người bệnh có triệu chứng ung thư liên quan đến hạch bạch huyết. Bệnh này ban đầu được gọi là "bệnh Hodgkin" (Hodgkin’s disease), sau đó được đổi tên thành "U lympho Hodgkin" vào cuối thế kỷ 20.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính xác gây ra U hạch lympho vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng nhiều yếu tố nguy cơ đã được xác định:
- Tuổi: Nhiều loại u hạch lympho phổ biến hơn ở người lớn tuổi.
- Giới tính: Một số loại u hạch lympho phổ biến hơn ở nam giới.
- Tiền sử gia đình: Có tiền sử gia đình mắc u hạch lympho làm tăng nguy cơ.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, người nhận ghép tạng dùng thuốc ức chế miễn dịch, hoặc mắc các bệnh tự miễn có nguy cơ bị ung thư hạch cao hơn.
- Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ u hạch lympho. Ví dụ như virus Epstein-Barr (EBV) liên quan đến u hạch lympho Burkitt và u hạch lympho Hodgkin; vi khuẩn Helicobacter pylori liên quan đến u hạch lympho tế bào B ở niêm mạc dạ dày.
- Tiếp xúc với hóa chất: Tiếp xúc với một số hóa chất như thuốc trừ sâu và benzen có thể làm tăng nguy cơ.
- Xạ trị: Tiền sử xạ trị có thể làm tăng nguy cơ phát triển u hạch lympho thứ phát.
Cơ chế bệnh sinh
U hạch lympho phát triển khi các tế bào lympho trải qua các đột biến di truyền dẫn đến sự tăng sinh mất kiểm soát. Các đột biến này có thể ảnh hưởng đến các gen điều hòa sự phát triển, phân chia và chết theo chương trình của tế bào. U lympho Hodgkin có đặc trưng là sự hiện diện của các tế bào lympho B lớn bất thường (Tế bào Reed-Sternberg). U lympho không Hodgkin là một nhóm bệnh phức tạp hơn, bao gồm các khối u phát sinh từ tế bào B, tế bào T hoặc tế bào NK (Natural Killer: tế bào giết tự nhiên) ở các giai đoạn trưởng thành khác nhau.
Biểu hiện lâm sàng
Các triệu chứng của u hạch lympho có thể khác nhau tùy thuộc vào loại và giai đoạn bệnh. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Nổi hạch: Sưng các hạch bạch huyết ở cổ, nách hoặc bẹn (háng), thường không đau. Cảm giác đau xuất hiện khi bệnh ở giai đoạn tiến triển. Các hạch bạch huyết phát triển lớn dần, có độ cứng trung bình, đồng nhất. Các hạch này thường không bám dính vào da, có thể di chuyển được dưới da. Khi bệnh ở giai đoạn cuối, các hạch phát triển to, kết hợp lại thành 1 khối. Hạch to có thể chèn ép đường thở gây khó thở, chèn ép mạch máu gây phù chi và khó vận động.
Triệu chứng sưng hạch cổ trong ung thư hạch. Ảnh: bth.org.vn
- Sốt: Sốt không rõ nguyên nhân, đặc biệt là sốt về đêm.
- Đổ mồ hôi đêm: Ra nhiều mồ hôi vào ban đêm.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân: Giảm cân đáng kể mà không có lý do rõ ràng.
- Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi kéo dài và không cải thiện khi nghỉ ngơi.
- Ngứa: Ngứa da lan tỏa.
- Các triệu chứng khác: Tùy thuộc vào vị trí khối u hoặc cơ quan mà khối u xâm lấn, bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác như đau bụng, khó thở hoặc đau đầu...
Các loại ung thư hạch
Phân loại u hạch lympho được thực hiện dựa trên loại tế bào lympho bị ảnh hưởng (tế bào B, tế bào T hoặc tế bào NK) và các đặc điểm sinh học khác.
U hạch lympho Hodgkin: Được đặc trưng bởi sự hiện diện của các tế bào Reed-Sternberg. U hạch lympho Hodgkin được chia làm 2 dạng chính: Dạng cổ điển (chiếm 90%) và dạng nốt ưu thế tế bào lympho (10%).
U hạch lympho không Hodgkin: Đây là một nhóm bệnh rất đa dạng, chiếm đa số trong bệnh ung thư hạch, bao gồm nhiều dạng khác nhau. Phân loại u lympho không Hodgkin phụ thuộc vào loại tế bào lympho bị ảnh hưởng (tế bào B hay tế bào T).
Tế bào lympho B: tạo ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh (vi khuẩn hoặc virus).
Tế bào lympho T: giúp tiêu diệt vi trùng, mầm bệnh hoặc tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.
Các dạng U lympho không Hodgkin tiêu biểu:
- U hạch lympho tế bào B lớn lan tỏa: Phổ biến nhất.
- U hạch lympho nang: Tiến triển chậm.
- U hạch lympho tế bào lympho nhỏ/Bệnh bạch cầu lympho bào mạn tính: Được xem là cùng một bệnh, ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết, máu và tủy xương.
- U hạch lympho Burkitt: Phát triển nhanh, thường liên quan đến nhiễm virus Epstein Barr (EBV).
- U hạch lympho tế bào T ngoại biên: Một nhóm các loại u lympho không Hodgkin tế bào T khác nhau.
- U hạch lympho vùng rìa: Ví dụ như dạng u lympho tế bào B của tổ chức lympho niêm mạc đường tiêu hóa, thường liên quan đến nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori ở dạ dày.
- U lympho ở da: Là dạng u lympho không Hodgkin chỉ bắt đầu ở da (không phải ở các cơ quan hoặc mô khác). Có 2 loại U lympho da: U lympho da tế bào B & U lympho da tế bào T.
- Bệnh Waldenstrom: Các tế bào ung thư tạo ra một lượng lớn protein bất thường gọi là globulin đại phân tử (macroglobulin). Bệnh được đặt theo tên của một bác sĩ ung thư người Thụy Điển là Jan G. Waldenström, người đầu tiên mô tả căn bệnh này vào năm 1944.
Chẩn đoán
Chẩn đoán u hạch lympho thường phải xác định:
- Có bằng chứng ung thư hạch hay không? Nếu có là loại ung thư gì, dòng tế bào nào?
- Ung thư giai đang ở đoạn nào?
Do đó, bác sĩ thường sẽ cho bệnh nhân làm các xét nghiệm dưới đây để chẩn đoán:
Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khám các hạch bạch huyết và các dấu hiệu khác của bệnh.
Xét nghiệm thường quy: Công thức máu, nhóm máu, phết máu ngoại biên, chức năng gan – thận, điện giải đồ, LDH (Lactate dehydrogenase), β2 microglobulin, xét nghiệm đông máu, siêu vi HBV, HCV, HIV, siêu âm tim & bụng, điện tim (ECG), X quang ngực.
Chẩn đoán hình ảnh: Các kỹ thuật như chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp PET (positron emission tomography) có thể giúp xác định vị trí và kích thước của các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng và các khối u khác đồng thời giúp xác định giai đoạn bệnh và theo dõi điều trị.
Sinh thiết hạch bạch huyết: Đây là phương pháp chẩn đoán xác định ung thư hạch. Sinh thiết hạch là cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ hạch. Mẫu sinh thiết sau đó sẽ được bác sĩ giải phẫu bệnh phân tích dưới kính hiển vi để xác định loại u hạch lympho cụ thể. Các xét nghiệm đặc biệt như hóa mô miễn dịch và xét nghiệm di truyền tế bào cũng có thể được thực hiện trên mẫu sinh thiết để xác định dòng tế bào bệnh lý, giúp phân loại bệnh chính xác hơn.
Xét nghiệm tủy xương: Chọc hút tủy xương làm tủy đồ, hoặc sinh thiết tủy để xác định xem tế bào ung thư có hiện diện trong tủy xương hay không.
Các xét nghiệm khác: Tùy vào đánh giá của bác sĩ, bệnh nhân có thể được chỉ định làm thêm các xét nghiệm khác, ví dụ như chọc dò dịch não tủy nếu nghi ngờ u lympho xâm lấn hệ thần kinh trung ương.
Giai đoạn bệnh
Việc xác định giai đoạn bệnh là rất quan trọng để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và giúp tiên lượng bệnh. Hệ thống phân giai đoạn sau đây thường được sử dụng cho cả U hạch lympho Hodgkin và U hạch lympho không Hodgkin:
Giai đoạn I: Bệnh chỉ giới hạn ở một vùng hạch hoặc một cơ quan ngoài hạch.
Giai đoạn II: Bệnh ảnh hưởng đến hai hoặc nhiều vùng hạch ở cùng một phía của cơ hoành.
Giai đoạn III: Bệnh ảnh hưởng đến các vùng hạch ở cả hai phía của cơ hoành.
Giai đoạn IV: Bệnh lan rộng đến các cơ quan ngoài hạch như gan, phổi hoặc tủy xương… có kèm hoặc không kèm tổn thương hạch.
Ngoài ra, các chữ cái "A" hoặc "B" thường được thêm vào để chỉ sự vắng mặt (A) hoặc hiện diện (B) của các triệu chứng toàn thân như sốt, đổ mồ hôi đêm và sụt cân không rõ nguyên nhân (sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng ).
Một vài ví dụ:
- Có hạch ung thư ở vùng cổ & vùng nách; không có sốt, sụt cân và hay ra mồ hôi đêm: Ung thư hạch giai đoạn IIA
- Có hạch ung thư ở vùng nách & vùng bẹn; và có các triệu chứng toàn thân như sốt, đổ mồ hôi đêm và sụt cân: Ung thư hạch giai đoạn IIIB
Điều trị
Phương pháp điều trị ung thư hạch tùy thuộc vào loại u hạch lympho, giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân và các yếu tố tiên lượng khác. Các phương pháp điều trị chính bao gồm:
Hóa trị: Sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hóa trị thường là phương pháp điều trị chính cho nhiều loại u hạch lympho.
Xạ trị: Sử dụng tia xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với hóa trị, đặc biệt trong các giai đoạn bệnh khu trú.
Liệu pháp miễn dịch: Tăng cường hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại ung thư. Các loại thuốc miễn dịch như kháng thể đơn dòng (ví dụ: Rituximab, Obinutuzumab cho u hạch lympho tế bào B) và các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch đang ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Liệu pháp nhắm trúng đích: Sử dụng thuốc nhắm vào các protein hoặc con đường cụ thể liên quan đến sự phát triển của tế bào ung thư.
Ghép tế bào gốc: Trong một số trường hợp u hạch lympho tái phát hoặc khó điều trị, ghép tế bào gốc có thể được xem xét. Có 2 loại ghép tế bào gốc:
- Tự ghép: sử dụng tế bào gốc của chính bản thân người bệnh.
- Dị ghép: sử dụng tế bào gốc của anh chị em ruột phù hợp Kháng nguyên bạch cầu người (HLA: Human Leukocyte Antigen) hoặc tìm người cho tế bào gốc phù hợp HLA.
Đầu tiên, bệnh nhân sẽ được hóa trị liều rất cao nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào gốc trong tủy xương để tạo ra các tế bào máu mới. Sau khi hóa trị, người bệnh sẽ được ghép các tế bào gốc bình thường để thay thế những tế bào đã bị phá hủy.
Theo dõi tích cực: Đối với một số loại u hạch lympho phát triển chậm (ví dụ: u hạch lympho nang giai đoạn sớm) ở bệnh nhân không có triệu chứng, bác sĩ có thể chọn theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh mà không cần điều trị ngay lập tức.
Biến chứng khi điều trị u lympho
Giống như tất cả các phương pháp điều trị ung thư, phương pháp điều trị u lympho có thể gây ra nhiều tác dụng phụ và biến chứng. Nhưng không phải ai cũng gặp phải các tác dụng phụ giống nhau.
Nếu bạn đang được điều trị u lympho, một số loại thuốc hoặc xạ trị có thể khiến bạn:
- Rụng một phần hoặc toàn bộ tóc
- Cảm thấy buồn nôn, nôn
- Cảm thấy rất mệt mỏi và kiệt sức
- Bị đau miệng
- Bị đau da do xạ trị
- Có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn
Nhiễm trùng
Phương pháp điều trị u lympho có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Nếu bạn đang được điều trị u lympho và nghĩ rằng mình bị nhiễm trùng, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc y tá. Nhiễm trùng không được điều trị có thể rất nghiêm trọng đối với những người đang điều trị ung thư. Các triệu chứng nhiễm trùng có thể bao gồm:
- Sốt
- Đau đầu
- Đau nhức cơ
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Các triệu chứng bất thường khác
Điều trị ung thư và khả năng sinh sản
Một số phương pháp điều trị u lympho có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Hãy hỏi bác sĩ điều trị của bạn. Trong một số trường hợp, nam giới có thể lưu trữ tinh trùng và phụ nữ có thể đông lạnh trứng để sử dụng sau này.
Tiên lượng
Tiên lượng của u hạch lympho rất khác nhau tùy thuộc vào loại u hạch lympho, giai đoạn bệnh, tuổi và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, cũng như đáp ứng với điều trị. Nhìn chung, nhiều loại u hạch lympho, đặc biệt là U lympho Hodgkin và một số loại U lympho không Hodgkin có tỷ lệ chữa khỏi cao, đặc biệt khi được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm.
Điều lưu ý đối với người bệnh ung thư hạch
Bệnh nhân ung thư hạch cần thực hiện những điều sau đây:
- Duy trì chế độ sống lành mạnh, hoạt động thể dục phù hợp sức khỏe
- Bỏ thuốc lá, rượu bia
- Điều trị các bệnh đồng mắc (nếu có)
- Tái khám đầy đủ và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ
Ban Biên tập Y Khoa Online
------------------------------------
Tài liệu tham khảo
https://www.cancer.org/cancer/types/lymphoma.html
Abramson, J. S., & Shipp, M. A. (2020). Hodgkin u hạch lympho. In DeVita, Hellman, and Rosenberg's Cancer: Principles & Practice of Oncology (11th ed., pp. 1143-1178). Wolters Kluwer.
Armitage, J. O., & Weisenburger, D. D. (2020). Non-Hodgkin's u hạch lymphos. In DeVita, Hellman, and Rosenberg's Cancer: Principles & Practice of Oncology (11th ed., pp. 1179-1230). Wolters Kluwer.
National Comprehensive Cancer Network (NCCN). (2024). NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology (NCCN Guidelines®): Hodgkin U hạch lympho. Version 1.2024. https://www.nccn.org/professionals/physician_gls/pdf/hodgkins.pdf
National Comprehensive Cancer Network (NCCN). (2024). NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology (NCCN Guidelines®): B-Cell U hạch lymphos. Version 6.2023. https://www.nccn.org/professionals/physician_gls/pdf/b-cell.pdf
National Comprehensive Cancer Network (NCCN). (2024). NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology (NCCN Guidelines®): T-Cell U hạch lymphos. Version 3.2023. https://www.nccn.org/professionals/physician_gls/pdf/t-cell.pdf
American Society of Clinical Oncology (ASCO). (n.d.). U hạch lympho. https://www.cancer.net/cancer-types/u hạch lympho
World Health Organization. (2022). WHO Classification of Tumours of Haematopoietic and Lymphoid Tissues (5th ed.). International Agency for Research on Cancer.
https://www.healthdirect.gov.au/lymphoma
-
Sốt xuất huyết
05/04/2025 16:10 GMT+7
-
Lupus ban đỏ
31/03/2025 22:16 GMT+7
-
Bệnh lao
24/03/2025 15:30 GMT+7
-
Sởi
23/03/2025 11:12 GMT+7
-
Viêm xoang
21/11/2024 14:48 GMT+7
-
Ung thư
18/11/2024 09:51 GMT+7
-
Viêm mũi xoang
15/11/2024 18:38 GMT+7
-
Ung thư vú
05/10/2024 13:56 GMT+7
-
Bướu sợi tuyến vú
24/09/2024 21:25 GMT+7
-
Ung thư gan
28/12/2023 12:56 GMT+7
-
Lymphoma
04/10/2023 14:45 GMT+7
-
Thiếu máu trên bệnh nhân u lympho
04/10/2023 13:50 GMT+7