Can thiệp tim thai

30/05/2025 | 14:49

Nội dung


Can thiệp tim thai là gì?

Can thiệp tim thai (còn được gọi là thông tim bào thai) là một kỹ thuật rất khó, thuộc lĩnh vực chuyên sâu của y học bào thai, bao gồm các thủ thuật được thực hiện trên tim của thai nhi trong tử cung của mẹ để điều trị các dị tật tim bẩm sinh nặng.

Mục tiêu của can thiệp tim thai là cải thiện chức năng tim, ngăn ngừa những tổn thương không hồi phục có thể cướp đi sinh mạng bé bỏng ngay trong bụng mẹ, từ đó giúp trẻ sau khi chào đời có một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Lịch sử hình thành và phát triển

Lịch sử can thiệp tim thai là một minh chứng cho quá trình tiến bộ vượt bậc của y học. Những nỗ lực đầu tiên trong phẫu thuật bào thai nói chung bắt đầu từ những năm 1980, mở đường cho sự phát triển các kỹ thuật chuyên sâu hơn cho tim thai.

Vào năm 1991, ca can thiệp tim thai đầu tiên trên thế giới được thực hiện tại Anh cho trường hợp hợp thai nhi bị hẹp van động mạch chủ.

Từ những năm 2000 đến nay, với sự phát triển của công nghệ siêu âm 4D, kỹ thuật chụp ảnh tiên tiến, và đặc biệt là sự ra đời của các dụng cụ can thiệp nhỏ gọn, các thủ thuật can thiệp tim thai ngày càng trở nên ít xâm lấn hơn, chủ yếu được thực hiện qua da hoặc qua nội soi. Sự phối hợp đa chuyên khoa giữa bác sĩ tim mạch can thiệp nhi, bác sĩ sản khoa, bác sĩ gây mê, và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh là yếu tố then chốt cho sự thành công của can thiệp tim thai.

Tại Châu Á, trường hợp can thiệp tim thai đầu tiên được báo cáo vào năm 2017, được thực hiện tại một bệnh viện ở Seoul, Hàn Quốc. 

Tại Việt Nam, bệnh viện Từ Dũ và bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM đã phối hợp thực hiện can thiệp tim thai đầu tiên vào 01/2024. Đây được xem là ca can thiệp tim thai đầu tiên của Đông Nam Á. 

Can thiệp tim thai được chỉ định trong trường hợp nào?

Can thiệp tim thai không được chỉ định cho tất cả các trường hợp bệnh tim bẩm sinh, mà chỉ dành cho những tình trạng nặng, có nguy cơ cao tổn thương tim vĩnh viễn, suy tim thai hay tử vong trước hoặc sau sinh nếu không được can thiệp. Các chỉ định phổ biến hiện tại của can thiệp tim thai bao gồm:

  • Can thiệp van động mạch chủ: Khi van động mạch chủ bị hẹp nặng. Đây là trường hợp thường gặp nhất của can thiệp tim thai.
  • Can thiệp van động mạch phổi: Khi van động mạch phổi bị hẹp nặng hay tịt
  • Can thiệp vách liên nhĩ: Khi có bất thường vách liên nhĩ (lỗ thông ở vách liên nhĩ bị nhỏ hoặc bít)

Can thiệp tim thai được thực hiện như thế nào?

Các thủ thuật can thiệp tim thai thường được tiến hành trong môi trường phòng mổ vô trùng cao, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của một đội ngũ chuyên gia liên chuyên khoa gồm tim mạch can thiệp Nhi, Sản khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức Nhi.

- Đánh giá trước thủ thuật:

  • Siêu âm tim thai chuyên sâu: Xác định chính xác vị trí & cấu trúc tim, độ nặng của bệnh, chức năng tim và các thông số quan trọng khác.
  • Chụp MRI bào thai (nếu cần): Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về tim và các cơ quan khác.
  • Đánh giá tổng thể thai nhi và mẹ: Đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi đủ điều kiện để tiến hành thủ thuật, bao gồm xét nghiệm máu, đánh giá nguy cơ tiền sản giật…
  • Tư vấn gia đình: Giải thích rõ ràng về quy trình, lợi ích, nguy cơ và các lựa chọn thay thế (nếu có).

Đánh giá trước thủ thuật rất quan trọng. Nếu can thiệp trễ thì tim thai nhi có thể bị tổn thương vĩnh viễn, tiên lượng xấu cho dù sau đó có thông tim thành công. Còn nếu can thiệp sớm quá, khi tim thai còn rất nhỏ hoặc khi vị trí thai chưa thuận lợi (ví dụ thai nằm sấp) thì sẽ rất khó thao tác, tỷ lệ thất bại cao.

- Quy trình can thiệp:

Can thiệp tim thai: Dùng kim dài đưa vào tim thai qua thành bụng của mẹ

Dùng kim dài xuyên qua thành bụng của mẹ để vào tim thai nhi. Ảnh: childrenshospital.org

  • Gây mê cho mẹ và thai nhi: Người mẹ sẽ được gây tê tủy sống hoặc gây mê toàn thân. Thai nhi cũng sẽ được gây mê để giảm cử động và đau đớn.
  • Định vị thai nhi: Sử dụng siêu âm thời gian thực nhằm xác định vị trí tối ưu để tiếp cận tim thai.
  • Tiếp cận tim thai: Dưới hướng dẫn của siêu âm, một kim nhỏ được đưa qua thành bụng của mẹ, xuyên qua tử cung, vào khoang ối và xuyên qua thành ngực của thai nhi để vào tim thai.
  • Đưa dụng cụ vào vị trí cần can thiệp: Trong trường hợp can thiệp van tim bị hẹp, một ống thông (catheter) rất nhỏ được luồn qua kim, sau đó được đưa vào tim thai. Với sự hỗ trợ của hình ảnh siêu âm 4D chi tiết, bác sĩ sẽ luồn một dây hướng dẫn qua van bị hẹp.
  • Nong van: Một bóng nhỏ gắn ở đầu ống thông được bơm căng lên tại vị trí van bị hẹp để nong rộng van. Quá trình này được giám sát chặt chẽ bằng siêu âm để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
  • Rút dụng cụ: Sau khi nong van, bóng và ống thông được rút ra.

 

Can thiệp tim thai: Đưa bóng nhỏ vào & bơm lên để nong van bị hẹp

Đưa bóng nhỏ vào & bơm lên tại vị trí van bị hẹp để nong rộng van. Ảnh: childrenshospital.org

- Theo dõi sau thủ thuật:

Mẹ và thai nhi được theo dõi chặt chẽ trong vài ngày đến vài tuần để phát hiện sớm các biến chứng như sinh non, rò rỉ dịch ối, hoặc rối loạn nhịp tim thai…

Lợi ích của can thiệp tim thai là gì?

  • Cải thiện tiên lượng sống còn: Đối với một số bệnh tim bẩm sinh nặng, can thịp tim thai có thể là cơ hội duy nhất để cứu sống thai nhi.
  • Ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn: Can thiệp sớm giúp ngăn chặn sự kém phát triển của các buồng tim hoặc mạch máu, giảm độ nặng của bệnh sau sinh.
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống: Giúp trẻ có thể phát triển gần như bình thường sau sinh, giảm số lần phẫu thuật cần thiết hoặc mức độ phức tạp của các phẫu thuật sau này.

Can thiệp tim thai có nguy cơ gì không?

  • Đối với mẹ: Nhiễm trùng, chảy máu, sinh non, vỡ ối sớm, các biến chứng liên quan đến gây mê hay gây tê.
  • Đối với thai nhi: Rối loạn nhịp tim, tràn dịch màng ngoài tim, thủng tim, chảy máu, nhiễm trùng, sinh non, thậm chí tử vong.
  • Thất bại thủ thuật: Cũng như nhiều thủ thuật khác, can thiệp tim thai cũng có thể thất bại.

Triển vọng trong tương lai

Can thiệp tim thai vẫn là một lĩnh vực đầy thách thức do tính phức tạp và những rủi ro liên quan đến các thao tác trên tim thai rất nhỏ bé trong môi trường tử cung. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của công nghệ và kiến thức y học, triển vọng tương lai của thủ thuật này rất hứa hẹn:

  • Cải tiến kỹ thuật hình ảnh: Siêu âm 4D độ phân giải cao hơn, kết hợp với các kỹ thuật hình ảnh mới như MRI bào thai theo thời gian thực, sẽ giúp định vị tim thai chính xác và an toàn hơn.
  • Dụng cụ can thiệp chuyên biệt: Phát triển các ống thông và bóng siêu nhỏ, linh hoạt hơn, phù hợp với kích thước siêu nhỏ của tim thai.
  • Robot và trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng ứng dụng robot trong phẫu thuật bào thai và trí tuệ nhân tạo trong phân tích hình ảnh, hỗ trợ đưa ra quyết định.
  • Mở rộng chỉ định: Nghiên cứu và thử nghiệm các kỹ thuật mới để có thể áp dụng cho nhiều loại dị tật tim bẩm sinh phức tạp hơn.

Tóm tắt

Can thiệp tim thai là một ví dụ điển hình cho sự tiến bộ vượt bậc của ngành y nói chung và y học bào thai nói riêng, cũng như sự phát triển của công nghệ chẩn đoán hình ảnh và kỹ năng, sự phối hợp nhịp nhàng của ê-kíp phẫu thuật. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, lĩnh vực này đã và đang mở ra những cánh cửa hy vọng mới cho rất nhiều gia đình, mang lại cơ hội sống và phát triển khỏe mạnh cho những trái tim bé bỏng ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

 

BS. Trần Quốc Hùng

Ban Biên tập YkhoaOnline


Tài liệu tham khảo

Halder V, Ghosh S, Shrimanth YS, Manoj RK, Mandal B, Thingnam SKS, Kumar R. Fetal cardiac intervention and fetal cardiac surgery: where are we in 21st century? Am J Cardiovasc Dis. 2021 Oct 25;11(5):642-646.

Doff B. McElhinney, MD, Wayne Tworetzky, MD, and James E. Lock, MD. Current Status of Fetal Cardiac Intervention. Circulation, Volume 121, Number 10

Tulzer G, Arzt W. Fetal cardiac interventions: rationale, risk and benefit. Semin Fetal Neonatal Med. 2013 Oct;18(5):298-301

Tworetzky W, Wilkins-Haug L, Jennings RW, van der Velde ME, Marshall AC, Marx GR, Colan SD, Benson CB, Lock JE, Perry SB. Balloon dilation of severe aortic stenosis in the fetus: potential for prevention of hypoplastic left heart syndrome: candidate selection, technique, and results of successful intervention. Circulation. 2004 Oct 12;110(15):2125-31.

https://www.childrenshospital.org/treatments/fetal-cardiac-intervention

Sun-Young Yoon et al. First reported case of fetal aortic valvuloplasty in Asia. Obstet Gynecol Sci 2017;60(1):106-109

D Maxwell et al. Balloon dilatation of the aortic valve in the fetus: a report of two cases. Br Heart J . 1991 May;65(5):256–258